Người lao động cần chuẩn bị gì khi Việt Nam gia nhập AEC ( Cộng đồng kinh tế Asean) vào ngày 31/12/2015
31/12/2015, khi cộng đồng kinh tế Asean (AEC) chính thức thành lập, lao động có kỹ năng sẽ được tự do di chuyển, làm việc, định cư và được đối xử bình đẳng tại các nước thành viên. Nếu nguồn nhân lực Việt Nam không nâng cao được chất lượng thì lao động Việt Nam sẽ thất nghiệp ngay chính trên sân nhà vì không cạnh tranh được với đồng nghiệp đến từ các nước trong khu vực.
AEC là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN (Cộng đồng chính trị – an ninh, Cộng đồng kinh tế và Cộng đồng văn hóa – xã hội). AEC là cơ chế hợp tác có hiệu lực từ ngày 31/12/2015 với quy mô dân số trên 600 triệu người và GDP khoảng 2.500 tỷ USD.
Như vậy, cuối năm 2015, nền kinh tế Việt Nam sẽ có những chuyển biển mới khi gia nhập Cộng đồng kinh tế Asean (AEC). Các doanh nghiệp trong nước đã và đang nỗ lực không ngừng thể hiện năng lực của mình, trong đó không thể không kể đến sự tác động đến cộng đồng nhân sự và người lao động Việt Nam cần phải làm gì ?
Cộng đồng kinh tế Asian AEC (ASEAN Economic Community) được thành lập bao gồm các thành viên: Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Bru-nây, My-an-ma, Sin-ga-po, In-đô-nê-si-a, Phi-lip-pin, Ma-lay-si-a, Thái Lan. Đây được coi là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế 10 quốc gia Đông Nam Á, có 5 cấu phần quan trọng: tự do di chuyển hàng hóa, tự do cung cấp dịch vụ, tự do đầu tư, tự do di chuyển vốn, tự do di chuyển lao động có kĩ năng. Trong đó, các nhà lãnh đạo rất chú trọng đến việc phát triển thị trường lao động trong nước cũng như thu hút người lao động nước ngoài.
Với mục tiêu tạo ra một thị trường chung và cơ sở sản xuất đồng nhất, các quốc gia thành viên sẽ có chung một thị trường với sự cạnh tranh cao trong nội khối nhưng ở góc độ là một khối kinh tế chung thì AEC sẽ hợp tác để tạo thành một sức mạnh chung. Đồng hành cùng các nước bạn, Việt Nam cũng đã và đang từng bước chuẩn bị cho sự đổi mới này. Bên cạnh khai thác và tận dụng những thế mạnh của mình, các doanh nghiệp Việt Nam chú trọng hơn vào việc đào tạo, phát triển nguồn lực từ thuở “trứng nước”.
Phải nói là Việt Nam đang chuẩn bị bước vào một cuộc đua kinh tế lớn nhất trong khối ASEAN từ trước tới nay.
Ngoài những cơ hội lớn mà AEC sẽ mang lại, một trong những thách thức lớn của Việt Nam là giải bài toán về nguồn nhân lực. Thực tế cho thấy Việt Nam là quốc gia giàu có về nguồn lực lao động, tuy nhiên số lượng thôi chưa đủ, chất lượng mới là yếu tố cần thiết khi mở cửa cạnh tranh với các quốc gia khác. Trong một cuộc khảo sát của Báo cáo Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2014-2015, hơn 10% số người được yêu cầu chọn 5 vấn đề khó giải quyết nhất cho việc kinh doanh tại Việt Nam xác định rằng, lực lượng lao động không được đào tạo đầy đủ là một trong những vấn đề chính.
Trước ngưỡng công nghiệp hoá vào năm 2020, điều mà không chỉ những nhà quản lý Việt Nam phải đối mặt chính là hiện tượng chảy máu chất xám. Đối mặt với thực trạng này, người quản lý nhân sự phải biết cách tận dụng nguồn lực vốn có của mình, tránh xảy ra hiện tượng đổi mới lực lượng lao động. Thay vì chỉ tập trung vào kỹ thuật, hay mức độ lành nghề của nhân viên, người sử dụng lao động phải chú trọng vào nhận thức và các kỹ năng mềm tối thiểu cần có trong bối cảnh hội nhập. Chính vì vậy mà bộ phận nhân sự đóng vai trò rất quan trọng trong việc tìm kiếm và trọng dụng nhiều ứng viên tiềm năng cho công ty mình.
Các nhà tuyển dụng nên thay đổi cách thức tuyển dụng sao cho thu hút được nhiều nhân tài. Bên cạnh đó cần sự phối hợp của lãnh đạo để xây dựng một môi trường làm việc mở, có các chính sách đãi ngộ, mang thương hiệu riêng cũng như chủ động tìm kiếm nhân tài từ các trường đại học, hay tổ chức sinh viên. Nếu đáp ứng đủ những điều đó, doanh nghiệp sẽ có nhiều sự lựa chọn từ những ứng viên giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm, không rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Phân tích về nguồn nhân lực Việt Nam của Liên hợp quốc cho thấy, Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng giai đoạn 2010-2040 và theo kinh nghiệm các nước, đây là giai đoạn nền kinh tế có khả năng cất cánh để trở thành nước công nghiệp. Giai đoạn này của Việt Nam tương tự với Indonesia và Malaysia. Có thể nói, đây là thời điểm tốt nhất để nguồn nhân lực Việt Nam có thể tham gia vào thị trường lao động AEC. Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu nhiều lao động sang các nước ASEAN, đặc biệt sang Malaysia với hàng ngàn chỉ tiêu mỗi năm với thu nhập trung bình 150-200USD/tháng với nhiều loại ngành nghề khác nhau, từ đơn giản như giúp việc gia đình đến làm nghề xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng, doanh nghiệp (Vietcombank, Agribank, Sacombank, Tập đoàn Hoàng Anh Gialai…) Việt Nam đã mở chi nhánh và hoạt động khá hiệu quả tại Lào, Campuchia cũng cho thấy khả năng hội nhập nhanh chóng của lao động Việt Nam trong ASEAN gắn với dòng di chuyển thương mại, vốn đầu tư, dịch vụ.
Di chuyển lao động còn phản ánh trình độ của thị trường lao động cũng như năng lực, kỹ năng quản lý lao động của chúng ta. Sau ngày 31/12/2015 các Doanh nghiệp có nhiều nhân sự đến từ nhiều quốc gia khác nhau cùng làm việc sẽ tăng, các cuộc họp sẽ phải dùng ngôn ngữ chung là tiếng Anh. Khi đó kỹ năng quản lý, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng điều hành cuộc họp của các cấp quản lý, điều hành cũng sẽ phải thay đổi, học tập, nâng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.
Người lao động có kỹ năng được tự do di chuyển giữa các quốc gia, bên cạnh việc mang theo kiến thức, kỹ năng, sức lực để sáng tạo giá trị còn mang theo cả phong tục, tập quán, lối sống, do đó rất dễ gây nên tính phức tạp trong quản lý di cư cũng như làm phát sinh các vấn đề xã hội. Đồng thời, lao động nhập cư còn gây ra tình trạng căng thẳng về việc làm cũng như tỷ lệ thất nghiệp.
Hãy tưởng tượng rằng sự cạnh tranh sẽ không còn ở phạm vi các Doanh nghiệp trong nước, mà lúc đó là phạm vi toàn cầu và khu vực. Sự tự do di chuyển hàng hóa, tự do cung cấp dịch vụ, tự do đầu tư, tự do di chuyển vốn, tự do di chuyển lao động giỏi và có kĩ năng tốt. Các Doanh nghiệp sẽ tuyển những nhân sự giỏi có kỹ năng, không phân biệt người Việt Nam hay người nước ngoài nữa mà chỉ quan tâm làm sao để Doanh nghiệp tồn tại, phát triển. Rủi ro thất nghiệp, mất việc của Người lao động Việt Nam sẽ tăng nếu từng người không ý thức được bức tranh đó và không có sự cảnh báo, chuẩn bị. Nhìn nhóm lao động xung quanh chúng ta, nếu người lao động Việt Nam không chuẩn bị, trang bị hành trang cho mình thì người lao động các nước xung quanh sẽ vào Việt Nam làm hết việc , hiện nay các bạn cũng đã thấy, người Philipin hiện đã làm rất nhiều việc phổ thông ở Việt Nam, đó là khi AEC chưa chính thức, còn sau ngày 31/12/2015 thì sao ?
Theo các cam kết trong AEC sẽ chỉ tự do dịch chuyển lao động có kỹ năng, chứ không phải lao động phổ thông. Nhưng xu hướng bao gồm cả lao động phổ thông sẽ vẫn là tất yếu sẽ xảy ra trong tương lai không xa. “Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa là xu thế tất yếu. Xu thế này sẽ tạo ra thị trường lao động toàn cầu, công dân toàn cầu và thanh niên toàn cầu” và khi đó các bằng cấp, chứng chỉ của chúng ta cũng cần phải được quan tâm, cập nhật và phải có giá trị toàn cầu hay khu vực chứ không chỉ có giá trị tại Việt Nam. 🙁
Việt Nam gia nhập AEC vào cuối năm 2015 sẽ là thách thức và cũng là cơ hội cho người lao động có việc làm tốt hơn hoặc mất việc làm. Người lao động Việt Nam cần tập trung giải quyết và chuẩn bị các yếu tố ngoài kỹ năng chuyên môn đó là: Phải phá vỡ rào cản ngôn ngữ, dùng ngôn ngữ chung trong cộng đồng kinh tế Asean (Tiếng Anh); Bỏ bớt tính nhỏ lẻ, phải làm việc theo nhóm, đoàn kết lại; Các quyết định không nên dựa trên cảm tính, kinh nghiệm mà phải được dựa vào các con số, logic; Phải chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cũng như trạng thái tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN; Phải sẵn sàng khả năng thích nghi với môi trường làm việc mới khó khăn; Phải coi trọng kỷ luật lao động, ý thức tuân thủ pháp luật cũng như cường độ lao động cao.
Kết: Lời khuyên của tôi dành cho tất cả các bạn, không phân biệt bạn đang làm chức danh gì, từ tạp vụ, lái xe cho đến quản lý cấp cao trước mắt hãy tập trung học Tiếng Anh hoặc thêm ngoại ngữ nào mình muốn một cách nghiêm túc song song với việc phát triển , nâng cao trình độ chuyên môn thật giỏi (nhất nghệ tinh, nhất thân vinh) cùng các kỹ năng mềm, sức khoẻ, ít nhậu lại … nếu không muốn mình bị tụt hậu và bị đào thải khỏi cuộc chơi ( cuộc đời).
Muộn còn hơn không, hãy học đi các bạn, anywhere, anytime !
Tôi mong bài viết này sẽ được chia sẻ đến tất cả tầng lớp công nhân, lao động cấp thấp nhất, những người không có điều kiện cập nhật thông tin, thiếu sự định hướng để có sự chuẩn bị và tự trau dồi, hoàn thiện mình, giúp cộng đồng Người lao động Việt Nam có cuộc sống tốt, việc làm tốt, ổn định và phát triển, dân giàu nước mạnh.
Tác giả: Ths. Bùi Đình Giang
Nguồn: Thegioibantin.com
More Contents
2457 total views, 1 today